桃 花 谿 Đào Hoa Khê
桃 花 谿
隱 隱 飛 橋 隔 野 煙,
石 磯 西 畔 問 漁 船。
桃 花 盡 日 隨 流 水,
洞 在 清 谿 何 處 邊。
張 旭
Chuyển Ngữ: Đào Hoa Khê
Ẩn ẩn phi khiều cách dã yên,
Thạch cơ Tây bạn vấn ngư thuyền :
Đào hoa tận nhựt tùy lưu thuỷ,
Động tại thanh khê hà xứ biên ?
Trương Húc
Chuyển dịch:
Cầu bay ẩn hiện khói sương mây,
Dám hỏi ngư thuyền bến đá Tây :
Ngày tháng hoa đào xuôi nước chảy,
Lạch xanh Tiên động hẳn bên này ?
ĐôngThiênTriết
Sự Tích Đằng Vương Các 滕王閣序 :
Đằng Vương các nằm ở phía tây bắc Nam Xương, bờ đông sông Cám Giang. Được Lý Nguyên Anh (con trai của Đường Cao Tổ Lý Uyên, em của Đường Thái Tông Lý Thế Dân) cho xây dựng vào năm Vĩnh Huy thứ 4 (năm 653) thời nhà Đường. Năm 652 Lý Nguyên Anh được điều đến Tô Châu để nhậm chức Thứ Sử, ông sai Đô Đốc Hồng Châu xây dựng cái Các này để làm chỗ ở. Do Lý Nguyên Anh được phong là “Đằng Vương”, cho nên cái Các này được gọi là Đằng Vương Các 滕王閣, Các này tọa lạc ở bên sông Tầm Dương. Khoảng 20 năm sau, đô đốc Hồng Châu là Diêm Bá Dư, thường được gọi là Diêm Công, cho trùng tu Các. Sau khi hoàn thành công việc, ông cho mời các văn, thi sĩ đến sáng tác thơ văn để làm kỷ niệm. Lúc bấy giờ, Vương Bột 王勃 là một thanh niên tài hoa hơn người, nhân lúc đi thăm cha làm Thứ Sử ở đất Giao Châu, khi thuyền đến bến Mã Dương, nghe tin Diêm Đô Đốc mở tiệc lớn mời văn nhân, thi sĩ khắp nơi, Bột muốn đến dự. Đáng lý thuyền phải đi thêm ba ngày nữa mới đến được Đằng Vương Các, nhưng may nhờ hôm ấy có gió thuận, nên Vương Bột đã đến nơi chỉ trong một đêm, do đó cũng kịp lúc được vào dự yến tiệc. Thật ra, lúc ấy Diêm Dô Đốc muốn khoe khoang tài văn chương lỗi lạc của người nhà. Nhưng không ngờ gặp phải một tân khách trẻ tuổi nhất, (lúc bấy giờ chỉ mới 15 tuổi) lại làm dược bài thơ hay nhất, có câu sau đây được mọi người thán phục thiên tài: ( Lạc Hà Dử Cô Vụ Tề Phi; Thu Thủy Cộng Trường Thiên Nhất Sắc) “落霞與孤鶩齊飛, 秋水共長天一色”, có nghĩa là: Ráng chiều cùng cò trắng đều bay, Màu nước với da trời cùng một sắc. Từ đó, danh của Vương Bột nổi như cồn, cho nên có câu thơ tán dương như sau: “Thời Lai Phong Tống Đằng Vương Các 時來風送滕王閣. Nghĩa là : thời vận đã tới nên mới có gió đưa (chàng) đến gác Đằng Vương Các cho kịp lúc.
Tài Liệu tham khảo: Wikipedia.
Thành Ngữ Điển Tích, Danh Nhân Từ Diển
Nguyễn Du và Kinh Kim Cang
Chinh Phụ Ngâm Khúc
Chinh Phụ Ngâm Khúc
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Nước thanh bình ba trăm năm cũ.
Áo nhung trao quan vũ từ đâỵ
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá nào.
Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.
Bóng cờ tiếng trống xa xa,
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dằng dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.
Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.
Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,
Bước đi một bước dây dây lại dừng.
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San.
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.
Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử,
Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba.
Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay.
Hà Lương chia rẽ đường này,
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi.
Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu,
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng ?
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng,
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.
Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao ?
Xưa nay chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu.
Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
Nay Hán xuống Bạch Thành đóng lại,
Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua.
Hình khe, thế núi gần xa,
Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.
Sương đầu núi buổi chiều như giội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu.
Thương người áo giáp bấy lâu,
Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây.
Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ,
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên ?
Tưởng chàng giong ruổi mấy niên,
Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan.
Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong.
Lên cao trông thức mây lồng,
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương !
Chàng từ sang Đông Nam khơi nẻo,
Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu ?
Những người chinh chiến bấy lâu,
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây.
Nức hơi mạnh, ơn dày từ trước,
Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu ?
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.
Dấu binh lửa, nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Phận trai già ruổi chiến trường,
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về.
Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ,
Ba thước gươm, một cỗ nhung yên.
Xông pha gió bãi trăng ngàn,
Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành.
Áng công danh trăm đường rộn rã,
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi.
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.
Trong cửa này đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay ?
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,
Chàng há từng học lũ vương tôn.
Cớ sao cách trở nước non,
Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu.
Khách phong lưu đương chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan sơn để cách, hàn huyên bao đành.
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục, oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió Đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ sờ.
Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?
Ngập ngừng, lá rụng cành trâm,
Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.
Hẹn nơi nao, Hán Dương cầu nọ,
Chiều lại tìm, nào thấy tiêu hao ?
Ngập ngừng gió thổi chéo bào,
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.
Tin thường lại, người không thấy lại,
Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh.
Rêu xanh mấy lớp chung quanh,
Sân đi một bước, trăm tình ngẩn ngơ.
Thư thường tới, người không thấy tới,
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương.
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang,
Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai.
Thử tính lại diễn khơi ngày ấy,
Tiền sen này đã nẩy là ba.
Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn Hoàng Hoa dặm dài.
Tình gia thất nào ai chẳng có,
Kìa lão thân, khuê phụ nhớ thương.
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa, vả đương phù trì.
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mể biết bao !
Nhớ chàng trải mấy sương sao,
Xuân từng đổi mới, Đông nào còn dư.
Kể năm đã ba tư cách diễn,
Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang.
Ước gì gần gũi tấc gang,
Giải niềm cay đắng để chàng tỏ hay.
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá,
Gương lầu Tần dấu đã soi chung.
Cậy ai mà gửi tới cùng,
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư.
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía,
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi.
Cậy ai mà gửi tới nơi,
Để chàng trân trọng dấu người tương thân.
Trải mấy xuân, tin đi tin lại,
Tới xuân này tin hãy vắng không.
Thấy nhàn, luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.
Gió tây nổi không đường hồng tiện,
Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa.
Màn mưa trướng tuyết xông pha,
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài.
Đề chữ gấm, phong thôi lại mở,
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ.
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.
Há như ai, hồn say bóng lẫn,
Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không.
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương !
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa.
Hương gượng đốt, hồn đà mê mải,
Gương gượng soi, lệ lại chứa chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phi’m loan ngại chùng.
Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.
Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Mưa dường cưa xẻ héo cành ngộ
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau.
Đâu xiết kể, muôn sầu nghìn não,
Từ nữ công, phụ xảo đều nguôi.
Biếng cầm kim, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa.
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai ?
Biếng trang điểm, lòng người sầu tủi,
Xót nỗi chàng, ngoài cõi Giang Lăng.
Khác gì ả Chức, chị Hằng,
Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.
Sầu ôm nặng, hãy chồng làm gối,
Buồn chứa đầy, hãy thổi làm cơm.
Mượn hoa, mượn rượu giải buồn,
Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi.
Gõ sanh ngọc mấy hồi không tiếng,
Ôm đàn tranh mấy phi’m rời tay.
Xót người hành dịch bấy nay,
Dặm xa mong mỏi hết đầy lại vơi.
Ca quyên ghẹo, làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua, như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan,
Khuê ly mới biết tân toan dường này.
Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,
Chua cay này, há có vì ai ?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề.
Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng,
Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.
Duy còn hồn mộng được gần,
Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người.
Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa.
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng Xuân.
Giận thiếp thân lại không bằng mộng,
Được gần chàng bến Lũng, thành Quan.
Khi mơ những tiếc khi tàn,
Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không !
Duy có một tấm lòng chẳng dứt,
Vốn theo chàng giờ khắc nào nguôi.
Lòng theo nhưng chửa thấy người,
Lên cao mấy lúc trông vời bánh xe.
Trông bến Nam, bãi che mặt nước,
Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh.
Nhà thôn mấy xóm chông chênh,
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường Bắc, đôi chòm quán khách,
Mây rà cây xanh ngất núi non.
Lúa thành thoi thóp bên cồn,
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.
Non Đông thấy lá hầu chất đống,
Trĩ xập xoè, mai cũng bẻ bai.
Khói mù nghi ngút ngàn khơi,
Con chim bạt gió lạc loài kêu thương.
Lũng Tây thấy nước dường uốn khúc,
Nhạn liệng không, sóng giục thuyền câu.
Ngàn thông chen chúc chòm lau,
Cách duềnh thấp thoáng người đâu đi về.
Trông bốn bề chân trời mặt đất,
Lên xuống lầu thấm thoát đòi phen.
Lớp mây ngừng mắt ngại nhìn,
Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan ?
Gậy rút đất dễ khôn học chước,
Khăn gieo cầu nào được thấy tiên.
Lòng này hóa đá cũng nên,
E không lệ ngọc mà lên trông lầu.
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong,
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng ?
Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái,
Hoa để vàng bởi tại bóng dương.
Hoa vàng hoa rụng quanh tường,
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần.
Chồi lan nọ trước sân đã hái,
Ngọn tần kia bên bãi đưa hương.
Sửa xiêm dạo bước tiền đường,
Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẩn thờ.
Bóng Ngân Hà khi mờ khi tỏ,
Độ Khuê Triền buổi có buổi không.
Thức mây đòi lúc nhạt nồng,
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi Đông lại Đoài.
Mặt trăng tỏ thường soi bên gối,
Bừng mắt trông sương gội cành ngô.
Lạnh lùng thay bấy chiều thu,
Gió may hiu hắt trên đầu tường vôị .
Một năm một nhạt mùi son phấn,
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.
Xưa sao hình ảnh chẳng rời,
Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương.
Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ,
Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in.
Gió Xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.
Xảy nhớ khi cành Diêu đóa Ngụy,
Trước gió xuân vàng tía sánh nhau.
Nọ thì ả Chức chàng Ngâu,
Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông.
Thương một kẻ phòng không luống giữ,
Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.
Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh.
Xuân thu để giận quanh ở dạ,
Hợp ly đành buồn quá khi vui.
Oán sầu nhiều nỗi tơi bời,
Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân.
Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
Mặt hoa nọ gã Phan Lang,
Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng.
Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
Tiếc quang âm lần lữa gieo qua.
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa,
Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ giòng.
Gác nguyệt nọ mơ màng vẻ mặt,
Lầu hoa kia phảng phất hơi hương.
Trách trời sao để lỡ làng,
Thiếp rầu thiếp lại rầu chàng chẳng quên.
Chàng chẳng thấy chim uyên ở nội,
Cũng dập dìu, chẳng vội phân trương.
Chẳng xem chim yến trên rường,
Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau.
Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu, sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cùng sánh, đôi dây cùng liền.
Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ để đấy đây ?
Thiếp xin muôn kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Xin làm bóng theo cùng chàng vậy,
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên.
Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền,
Mọi bề trung hiều thiếp xin vẹn tròn.
Lòng hứa quốc tựa son ngăn ngắt,
Sức tý dân dường sắt tri tri.
Máu Thuyền Vu, quắc Nhục Chi,
Ấy thì bữa uống, ấy thì bữa ăn.
Mũi đòng vác đòi lần hăm hở,
Đã lòng trời gìn giữ người trung.
Hộ chàng trăm trận nên công,
Buông tên ải Bắc, treo cung non Đoài.
Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca trở lại Thần Kinh.
Đỉnh non khắc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công.
Nước duềnh Hán việc đòng rửa sạch,
Khúc nhạc từ réo rắt lừng khen.
Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói, tượng truyền đài Lân.
Nền huân tướng đai cân rạng vẻ,
Chữ đồng hưu bia để nghìn đông.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời.
Thiếp chẳng dại như người Tô Phụ,
Chàng hẳn không kém lũ Lạc Dương.
Khi về chẳng quả ấn vàng,
Trên khung cửi dám dẫy duồng làm cao.
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.
Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu, chàng thẩm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén đòi liên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gửi chữ tình,
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu !
Chinh Phụ Ngâm Diễn Nôm (Đoàn Thị Điểm)
Chinh Phụ Ngâm Khúc (Đặng Trần Côn)
Vô Thường (無常)
Vô Thường (無常)
Theo định nghĩa của từ điển Lê Văn Đức thì từ ngữ “Vô Thường” là biến từ gồm có ba nghĩa chánh như sau:
1/-Thất thường, không xảy ra luôn luôn, khi có, khi không.
2/-Theo truyền thuyết là con quỷ Vô Thường tuân lệnh Diêm Vương đi bắt hồn người tới số chết.
3/-Theo thuyết Phật giáo thì Vô Thường là chỉ sự tới, lui, tồn tại rồi tan biến của những cảm giác như: đau, khổ, khoái lạc, của người đời.
Ngoài ra, theo triết lý của Phật giáo mà chúng ta thường được nghe quý cao nhân hay quý Thầy diễn giải về thuật ngữ “Vô Thường” thì nó nằm trong bao la của Vũ Trụ, cao siêu và thâm thúy của Càn Khôn, nghe qua rồi, đọc qua rồi, ít ai nhớ hết nổi.
Nói chung, thuật ngữ “Vô Thường” viết theo lối chữ Hán là: (無常) mà “vô thường” nghĩa của nó là “Sát Na” 「刹那」 mà định nghĩa “Sát Na” của Hán ngữ đã được người Trung Hoa phiên âm từ chữ Phạn là: “Kalpa” ra thành chữ “Kiếp Ba” 「劫吧」 mà nghĩa của từ “Kiếp Ba” là thời gian tính. Vậy Kiếp- Ba 「劫吧」 hay là Sát-Na 「刹那」 đều là tên gọi chung cho một đơn vị thời gian dài của “vũ trụ” thuộc nền văn học triết lý của Ấn Độ cổ đại,
Nhưng nếu nói thời gian dài thì nó dài vô hạn, mà Hán ngữ viết như sau:「宇宙從創始到毀滅的一個週期 約為四十三億二千萬年」được chuyển ngữ ra là: (vũ trụ tùng sáng thủy đáo hủy diệt đích nhất cá chu kỳ ước vi tứ thập tam ức nhị thiên vạn niên). Dịch nghĩa ra là : kể từ lúc sinh (khởi thủy) của vũ trụ cho tới khi hủy diệt. Vũ Trụ được tính từ một chu kỳ, mà mỗi một chu kỳ là một “Kiếp” (劫) mà mỗi một Kiếp có tới khoảng 43 tỷ 220 triệu năm,
Cho nên Phật giáo gọi đó là “sát na” hay “kiếp ba” là như vậy.
Và cũng theo thuyết Pháp của Phật giáo thì nghĩa của chữ “Kiếp” (劫) còn được phân ra làm ba phần như: Đại Kiếp, Trung Kiếp và Tiểu Kiếp.
Muốn biết thêm chi tiết về thuyết Pháp này xin tham khảo ở các link chi ở bên dưới:
Tóm lại, “Sát na” hay “Kiếp ba” đều hàm ý chỉ sự “sinh” và “diệt” và chung quy đều nằm trong thuật ngữ: “vô thường” và đi đến chỗ kết luận là “sự chết”, tức có Sinh 「生」thì phải có Diệt 「滅」 có nghĩa là: (thành, trụ, hoại, diệt,) 「成、住、壞、 滅」 đấy là theo triết lý của Phật giáo và cũng còn gọi đó là: (Thiên, Địa, Sinh, Diệt) 「天 地 生 滅」 mà trong Dịch Kinh gọi đó là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, 「乾, 元, 亨, 利, 貞」 tức là: Thành, Thịnh, Suy, Hủy.
Vậy phàm những sự vật gì nếu có “Sinh” tất phải có “Diệt”, chỉ đơn giản có thế thôi.
Cho nên đã đề cập đến sinh mệnh của con người thì phải nói đến thuật ngữ; “vô thường”, mà theo chủ thuyết của Hồi Giáo thì “Vô Thường” cũng là sự “Chết”, mà hình như hầu hết các tôn giáo khác đều có chung một mẫu số trên quan điểm của thuật ngữ “Vô Thường” và được họ định nghĩa cho đó là “sự Chết” hay những sự việc gì xảy ra có tính cách bất thường có tầm vóc nguy hại đến sinh mạng đều được chung là “Vô Thường” .
Chung quy, trong pháp ngôn của từ “vô thường” (無常) hay là “ông thần chết”, hoặc là “tử thần”, thông thường mấy ổng đến viếng “người đã tới số chết” thì mấy ổng đến rất là thình lình và rất là bất ngờ mà không một ai trở tay kịp.
Do đó từ ngữ “vô thường” hay đúng hơn là ông “thần chết”, mà người nào gặp “thần vô thường” đến viếng thì kể như “tiêu tán thòn” và khi ông “thần vô thường” đến viếng thì không cần phải báo trước cho đương sự biết, cho dầu vị đó là hoàng đế hay tổng thống hoặc bần dân đều không ngọai lệ!.
http://www.niemphat.net/Luan/phathoctinhyeu/thien2_4.htm
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-7740/37-kiep-la-gi.html
Nhân đây, có một mẫu chuyện nho nhỏ mà tôi sẽ kể ra nghe chơi cho vui vì nó có liên quan đến thuật ngữ: “vô thường”:
Số là có một ông Cụ, tuổi Cụ năm này đã có trên 8 bó rồi, và cũng như mọi người đã từng quen biết với Cụ, thì ai nấy đều kháo nhau rằng: trông sắc diện và tướng mạo khỏe mạnh của Cụ thì chắc Cụ sẽ sống đến trên trăm tuổi.
Còn về thân thế Cụ thì bần dân tui cũng không rõ nhiều cho lắm, Cụ thể đã từng thấy cũng như biết được về Cụ một cách khái quát, thì Cụ có một cái “job làm rất thơm”, mà cái “job” đó tính đến ngày nay thì cũng đã có trên hai mươi mấy năm qua rồi, mà cho đến nay Cụ vẫn còn giữ y nguyên, không hề thay đổi hay bị ai dám “laid off”.
Dùng từ “job” là nói để đùa vui chơi thôi chớ thật ra “công việc” mà cụ phải làm hằng ngày một cách rất đều đặng và cũng thật là đơn giản, nghĩa là cứ mỗi bữa sáng, chỉ cần cụ “sign in” rồi trưa hay chiều hay một lát sau thì Cụ lại “sign out” trên Google hay Gmail hay Yahoo đôi ba lần trong ngày là xong.
Công việc chỉ đơn giản như vậy thôi, chỉ cần “log in hay log out”, ra vô mấy lần trong ngày và thời gian lâu hay mau đều được cả vì không một ai lấy cái quyền gì để có thể bắt buộc Cụ phải làm theo ý riêng của họ được, ngoại trừ bà Cụ nhà.
Ngày lại ngày, tháng qua tháng, y trang như nhau, chỉ một đường cơ, là Cụ cứ là “bay lượn” trên khắp các Diễn Đàn (Forum) rồi đảo tới, đảo lui không vắng mặt một ngày nào, phút giây nào, cho dù ngày đó “long thể” của Cụ bất an đi chăng, thì Cụ cũng cố gắng “log in, log out”, rồi cầm con chuột (mouser) mà phang mà khệnh một người nào đó, vì người ấy “dám” trái ý Cụ, mà cứ mỗi lần phang, khệnh, là mỗi lần cụ tuôn ra toàn là “nón cối” khiến miểng đạn của nón cối văng ra tứ tung trên khắp các DĐ.
Mọi người thấy cái cảnh tượng này thì đều suy diễn rằng, chẳng qua là một trò tiêu khiển, là một thú vui để giết thời gian mà đợi ngày “Ông Thần Vô Thường” đến rước Cụ mà thôi.
Quả thật không sai, rồi bỗng dưng vào một buổi sáng nọ, khi Cụ đã “sign in” và sau khi “quăng liệng nón cối lia chia” xong, kẻ thì bị cụ chọi, người thì bị cụ đè đầu xuống, bắt phải đội cả chồng nón cối lên đầu, đâu vào đó rồi thì Cụ mới chịu “log out”, nhưng đặc biệt ngay ngày hôm đó, rủi thay cho Cụ! chưa kịp “sign out” thì “ông thần vô thường” thình lình đến viếng Cụ, có nghĩa là ổng đến ”hỏi thăm sức khỏe” Cụ mà không thông báo trước, cho nên cụ đã phải lật đật “khăn gói lên đường” để đi theo “ông thần vô thường” mà trong lúc này lòng bàn tay của Cụ vẫn còn đang cầm con chuột “mouser” yêu quý của Cụ.
Tội nghiệp thay! cụ đã “thăng” một cách rất vội vã, đột ngột, mà không kịp trăng trối một lời hay nói: bye-bye với một ai, cho dù người đó là Cụ bà hay con cháu trong gia đình, và khi hay tin Cụ “ra đi” một cách quá vội vã, thì bần dân tôi cũng rất cảm xúc mà làm bài thơ thất ngôn bát cú dưới đây để tiễn biệt vong linh cụ:
“Vô Thường”
Con quỷ “Vô Thường” rất lẹ làng,
Bất thần nó đến móc tim, gan.
Sáng nghe Cụ khỏe còn lên lưới, (*)
Tối báo tin buồn đã phát tang.
Nếu xuống cửu tuyền, sa địa ngục,
Hay lên bồng cảnh, dạo thiên đàng.
Phải coi hạt giống mình gieo cấy,
Quả báo nhãn tiền, chớ oán than.
(*) Internet
Thật ra, khi hay tin Cụ quy liễu thì bần dân tui rất bàng hoàng vì không biết con đường Cụ ra đi sẽ về đâu? Bởi nếu xét về phần “tâm linh” thì không biết linh hồn của Cụ sẽ bay lên trời hay rơi xuống “đất”, “đất” ở đây hàm ý muốn nói đó là “địa ngục”, mà theo thuyết nhà Phật thì nếu linh hồn nào mà bị sa xuống “địa ngục”, thì có nghĩa là lúc sanh tiền người đó đã làm những chuyện thất nhơn, ác đức, ngược lại, những ai làm việc Thiện, tích Phúc, thì sẽ được lên Thiên Đàng dạo Bồng Cảnh.
Bàn về tâm linh thì hình như hầu hết các chủ thuyết của các tôn giáo đều có chung mẫu số nhất thống là: một khi linh hồn nào mà được siêu thoát lên đến 9 tầng trời xanh mà Phật giáo gọi đó là về bồng cảnh, thiên đàng, hay tây phương cực lạc, v,v… còn nói theo Thiên Chúa giáo thì gọi đó là Hưởng Nhan Thánh Chúa hay được Chúa triệu về, gọi về. v.v…thì những linh hồn đó ắt hẳn lúc sanh tiền làm được những việc từ thiện, tích phúc.
Để kết thúc bài Phiếm Luận hôm nay với chủ đề là thuật ngữ của tính từ “vô thường”, mà trong vũ trụ Nhân Sinh Quan của thời đại “siêu điện toán” này nó thật là “tiếu lâm” v.v… và chủ đích của tôi chỉ là cống hiến đến các thân hữu, đọc để vui chơi trong lúc nhàn rỗi chớ không ngoài mục đích nào khác hay châm chích một cá nhân nào.
Trân trọng.
ĐôngThiênTriết
U Minh Lục 幽明録
Vũ nguyệt vật ngữ của Ueda Akinari và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ
Friday, 29 January 2010 01:25 Đoàn Lê Giang
Năm 2000 tôi trở lại Nhật Bản trong một diễn đàn giao lưu các cựu lưu học sinh Đông Nam Á từng du học Nhật Bản do Bộ Ngoại Giao Nhật Bản tổ chức, lần ấy tôi được gặp lại Giáo sư Kawaguchi, thầy dạy cũ của chúng tôi ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Tôi được giáo sư dành cho một buổi gặp mặt ở phòng làm việc ở Trường. Trong lần gặp mặt ấy Giáo sư đã giới thiệu nhiều vấn đề của văn học Nhật Bản có liên quan đến văn học Việt Nam, trong đó có nói đến việc giống nhau giữa Chuyện cây gạo 木綿樹傳 Truyền kỳ mạn lục 傳奇漫録 (Nguyễn Dữ 阮嶼) giống với truyện Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu 吉備津の釜 trong Vũ nguyệt vật ngữ 雨月物語 (Ueda Akinari上田秋成).
Từ gợi ý ấy, về nước tôi đã tìm đọc được một bài viết rất có giá trị liên quan đến đề tài này, đó là bài Những vấn đề khác nhau liên quan đến Truyền kỳ mạn lục của GS.Kawamoto Kunie 川本邦衛 đăng trên Tạp chí Văn học số 6 năm 1996, trong đó còn nhắc đến cả Togibôko 伽婢子 (Già tì tử) của Asai Ryôi 浅井了意, một tác phẩm khác của văn học thời Edo có liên quan đến Truyền kỳ mạn lục.
Năm 2003 tôi lại sang Nhật 10 tháng với tài trợ của Japan Foundation để thực hiện việc tìm hiểu sâu hơn về Vũ nguyệt vật ngữ và thể loại truyền kỳ trong văn học Nhật Bản, trong sự so sánh với truyền kỳ của Việt Nam mà tiêu biểu nhất là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
Dưới đây là một số vấn đề bước đầu được rút ra sau quá trình tìm hiểu đó.
I. THỂ LOẠI TRUYỀN KỲ TRONG VĂN HỌC Á ĐÔNG
- Thể loại Truyện truyền kỳ: Từ truyện truyền kỳ đời Đường đến Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu
Truyện Truyền kỳ: Truyện kể của Trung Quốc bắt đầu phát triển khá mạnh vào thời Lục Triều 六朝 (TK.3 – TK.6), với tên gọi là truyện “chí quái”, nổi bật nhất là các bộ Sưu thần ký 蒐神記 của Can Bảo 干宝, U minh lục 幽明録 của Lưu Nghĩa Khánh 劉義慶, Thuật dị ký 述異記 của Tổ Xung Chi 祖冲之…Người ta cho đó là tiền thân của tiểu thuyết / truyện ngắn Trung Quốc.
Đời Đường, đặc biệt là từ Trung Đường (TK.8- TK.9), đoản thiên tiểu thuyết rất phát triển. Có nhiều truyện rất hấp dẫn như: Côn Lôn Nô 崑崙奴, Nhiếp Ẩn Nương 聶隠娘, Viên Thị Truyện 袁氏伝…Những truyện này được tập hợp trong một bộ sách có tên là Truyền kỳ 伝奇 của Bùi Hinh 裴鉼 và những người khác. Như vậy từ “truyền kỳ” lúc đầu chỉ là tên một bộ sách, sau đó mới mở rộng ra để gọi những truyện đời đời Đường có nhiều yếu tố kỳ lạ là “Truyện truyền kỳ”.
Danh mục các truyện truyền kỳ đời Đường rất dài, có thể kể ra một số truyện nổi tiếng sau đây:
Du tiên quật 遊仙窟 của Trương Trạc 張鷟, Chẩm trung ký 枕中記 của Thẩm Ký Tế 沈既済, Nam Kha Thái Thú truyện 南柯太守伝 của Lý Công Tá 李公佐, Li Hồn Ký 離魂記 của Trần Huyền Hựu 陳玄祐, Lý Oa truyện của Bạch Hành Giản 白行簡, Hoắc Tiểu Ngọc truyện 霍 小玉伝 của Tưởng Phòng 蒋防, Oanh Oanh truyện 鶯鶯伝 của Nguyên Chẩn 元稹, Trường hận ca truyện 長恨歌伝 của Trần Hồng 陳鴻, Liễu Nghị truyện柳毅伝của Lý Triều Uy 李朝威, Liễu Thị Truyện 柳氏伝 của Hứa Nghiêu Tá 許堯佐, Cầu Nhiêm Khách truyện虬髯客伝 của Đỗ Quang Đình 杜光廷, Chu Tần hành kỷ 周秦行紀, Đỗ Tử Xuân truyện 杜子春伝 của Trịnh Hoàn Cổ 鄭還古, Nhân hổ truyện 人虎伝 của Lý Cảnh Lượng李景亮, Lưu Vô Song truyện 劉無双伝 của Tiết Điều 薛調…
Người ta chia ra truyền kỳ ra thành mấy loại: Thần quái tiểu thuyết, Ái tình tiểu thuyết, Hào hiệp tiểu thuyết, Lịch sử tiểu thuyết. Hoặc: Thần quái cố sự, Luyến ái cố sự, Hào hiệp cố sự .v.v…
Tuy nhiên việc chia ra như vậy cũng chưa thật hợp lý, vì nói chung trong thực tế không có chuyện phân chia rạch ròi như vậy, ví dụ trong thần quái tiểu thuyết cũng có khi có cả ái tình, hào hiệp, hay lịch sử…
Thể loại này người Trung Quốc cũng như Việt Nam gọi là “Truyện / tiểu thuyết truyền kỳ”, “Tiểu thuyết đời Đường”.
Gọi là “tiểu thuyết” như: Ngũ triều tiểu thuyết (Phùng Mộng Long 馮夢龍), Đường nhân tiểu thuyết (Uông Tị Cương 汪避疆)…Cách gọi này có vẻ chính xác, nhưng khó khu biệt được loại truyện có nhiều yếu tố thần quái với các tiểu thuyết thông thường, đặc biệt phát triển mạnh vào thời Minh Thanh (như tiểu thuyết chương hồi, truyện tài tử giai nhân…).
Gọi là “truyền kỳ” như tập Truyền kỳ của Bùi Hinh裴鉼, Đường Tống truyền kỳ tập của Lỗ Tấn 魯迅…Cách gọi này có truyền thống lâu dài từ đời Đường đến nay, nên được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên chữ Kỳ ở đây không được hiểu là kỳ ảo, kỳ dị mà phải hiểu như một quan niệm văn học, môt phương pháp sáng tác: “Vô kỳ bất truyền” 無奇不伝 (không lạ không lưu truyền được). Vì thế trong những truyện truyền kỳ kể trên có rất nhiều truyện chỉ là ái tình, xã hội, hoàn toàn vắng bóng yếu tố kỳ ảo, thần linh như: Lý Oa truyện李娃伝, Oanh Oanh truyện 鶯鶯伝, Cầu Nhiêm Khách truyện虬 髯客伝, Liễu Thị Truyện柳氏伝…
Ở Nhật Bản sách truyện thời Edo thường hay gọi bằng cách thức in ấn, trình bày, xuất bản như: Giả Danh Thảo Tử 仮名草子, Phù Thế Thảo Tử 浮世草子, Thảo Song Chỉ 草双紙, Độc Bản 読本, Anh Thảo Chỉ 英草紙, Sái Lạc Bản 洒落本, Hoạt Kê Bản 滑稽本v.v. Tuy nhiên để gọi theo thể loại, như một thể tài, thì người ta dùng thuật ngữ: “Quái kỳ tiểu thuyết” 怪奇小説 (cũng có khi dùng “Quái dị tiểu thuyết” 怪異小説).
Truyện truyền kỳ khác với Chí quái志怪: Truyện chí quái vẫn rất gần với truyễn cổ tích, nó coi trọng cốt truyện chứ ít để ý đến văn, hơn nữa nó ngắn và hầu như không có tác giả. Truyền kỳ là sáng tác văn học của một tác giả, có dấu ấn cá nhân rất rõ, chú trọng ở văn chương, rất gần với tiểu thuyết sau này. Truyền kỳ / tiểu thuyết là sản phẩm của xã hội và văn hoá có tính Cận thế (Hậu kỳ trung đại).
Truyện truyền kỳ tiếp tục phát triển vào đời Tống, thành các thoại bản đời Tống (văn bản ghi lại những truyện kể của các nghệ nhân lang thang). Phát triển mạnh hơn nữa vào thời Minh Thanh, tách ra thành một dòng riêng để phân biệt với tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội, tài tử giai nhân lúc bấy giờ. Những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đối với khu vực là Cổ kim tiểu thuyết 古今小説, Tỉnh thế hằng ngôn 醒世恒言, Cảnh thế thông ngôn 警世通言của Phùng Mộng Long 馮夢龍, Tiễn đăng tân thoại 剪灯新話của Cù Hựu 瞿祐 và Liêu Trai chí dị聊斎志異của Bồ Tùng Linh蒲松齢. Có thể nói thông qua những bộ sách này, chứ không phải trực tiếp là những truyện đời Đường, mà truyện truyền kỳ phát triển rộng trong khu vực, trong đó Tiễn đăng tân thoại 剪灯新話 của Cù Hựu 瞿祐 có vai trò tiên phong.
CÙ HỰU 瞿祐 (1341-1427): sinh đời Nguyên, lớn lên vào đời Minh. Được tiến cử cho làm chức quan thấp, chủ yếu là về giáo dục, làm thơ nhưng bị tai hoạ vì thơ, phải đi đày, có viết khảo cứu, lý luận, nhưng tác phẩm đáng chú ý nhất là tập truyện truyền kỳ Tiễn đăng tân thoại 剪灯新話. Toàn bộ tác phẩm có 20 truyện kể về những truyện lạ, nhưng không nhất thiết đều là truyện ma quái, trong đó truyện ái tình, thần quái, du ký là nhiều hơn cả, nổi tiếng nhất phải kể đến các truyện: Chiếc thoa hình chim phượng 金鳳釵記, Đằng Mục Công rượu say chơi vườn Tụ Cảnh 滕穆酔遊聚景園記, Chiếc đèn mẫu đơn牡丹灯記, Nàng Ái Khanh 愛卿伝, Nàng Thuý Thuý 翠翠伝…Tiễn đăng tân thoại được truyền ra nước ngoài, tạo một làn sóng phóng tác tác phẩm của ông, từ đó góp phần thúc đẩy tạo ra thể loại truyện truyền kỳ khắp các nước Đông Á, lần lượt là Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản.
- Kim Thời Tập 金時習 và Kim Ngao tân thoại金鰲新話 (Hàn Quốc)
KIM THỜI TẬP 金時習 (1435 – 1493) / Kim Si Seub : Sống vào đời Lý Thế Tông 李世宗 (đời vua Lý thứ 4), nổi tiếng là thần đồng, được nhà vua đãi ngộ đặc biệt cho học tập. Sau, triều đình lục đục, ông lui về ẩn dật, lúc đi tu, lúc thì hoàn tục, sống cuộc đời khác thường cho đến cuối đời. Khi về ẩn dật ở núi Kim Ngao 金鰲 (bây giờ là núi Nam Sơn 南山, Khánh Châu 慶州, Hàn Quốc) có viết tác phẩm Kim Ngao tân thoại 金鰲新話 (Ku-mo-shi-na), hoàn thành vào khoảng giữa TK.15. Đây là tác phẩm chịu ảnh hưởng Tiễn đăng tân thoại 剪灯新話sớm nhất trong các nước Đông Á. Tác phẩm này là tiểu thuyết Hán văn đầu tiên của Hàn Quốc, có giá trị cao trong văn học cổ điển Hàn Quốc.
Số phận của nó ở Hàn Quốc có lẽ khá hẩm hiu, bằng chứng là nó không còn đựơc giữ gìn ở quê hương, mà văn bản hiện nay là bản khắc ván in ở Nhật Bản, 3 bản sớm nhất là in vào những năm 1653, 1660 và 1673. Hayashi Razan 林羅山, học giả tiêu biểu của Chu Tử học phái thời Edo, người biên tập bộ truyện truyền kỳ nổi tiếng ở Nhật Bản là Quái đàm tùng thư 怪談叢書, là người đã “huấn điểm” (chấm câu, phiên âm, đánh ký hiệu ngữ pháp) tập truyện này của Hàn Quốc. Cho đến năm 1921 học giả Thôi Nam Thiện 崔南善 (1890 – 1957), người chấp bút Tuyên ngôn độc lập của Hàn Quốc đã giới thiệu Kim Ngao tân thoại ở Hàn Quốc trong phần Phụ lục Tạp chí Khải Minh啓明.
Toàn bộ Kim Ngao tân thoại 金鰲新話 có bao nhiêu truyện, không còn tài liệu nào ghi được, hiện nay chỉ còn 5 truyện. Xin xem bảng sau nói về tình hình ảnh hưởng từ Tiễn đăng tân thoại đến Kim Ngao tân thoại:
TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI |
KIM NGAO TÂN THOẠI |
Đằng Mục rượu say chơi vườn Tụ Cảnh滕穆酔遊聚景園記 |
Vạn Phúc Tự Xu Bồ Ký万福寺樗蒲 記 |
Lệnh Hồ nằm mơ xuống âm phủ令弧生冥遊録 |
Nam Viêm Bộ Châu Chí南炎部州記 |
Cuộc kỳ ngộ ở Vị Đường渭糖奇遇記 |
Lý Sinh Khuy Tường Truyện李生窺牆伝 |
Tiệc mừng dưới Thuỷ cung水宮慶会録 |
Long Cung Phó Yến Lục龍宮赴宴録 |
Đêm chơi thuyền trên hồ Giám鑑湖夜泛遊 |
Tuý Du Phù Bích Ký酔遊浮碧記 |
Nhìn chung các truyện trong Kim Ngao tân thoại khá nhẹ nhàng, mang đậm màu sắc Lão Trang thoát tục, phiêu du trong cảnh đẹp, rượu và ái tình. Nó không dữ dội, gay gắt như các truyện dưới đây của Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên nhân có lẽ nó ra đời sớm, lúc ấy triều đại Lý đang hưng thịnh, xã hội bình yên nên những mâu thuẫn trong cuộc sống không bộc lộ ra gay gắt.
Điều đáng chú ý là trong Kim Ngao tân thoại có 2 truyện được Asai Ryôi phóng tác trung thành trong tập Già tì tử của mình, thay vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Tiễn đăng tân thoại (chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau).
- Asai Ryôi浅井了意và Già tì tử 伽婢子 (Nhật Bản)
ASAI RYÔI 浅井了意 (? – 1691) là nhà văn thời Edo trung kỳ. Lúc đầu là một võ sĩ lang thang, sau đó vào tu ở chùa Chính Nguyện tự 正願寺, theo phái Tịnh độ tông 浄土宗, viết nhiều sách giải thích kinh Phật. Viết nhiều sách loại sách “giả danh thảo tử” (Kanasôshi 仮名草子), trong đó nổi bật nhất là bộ Già tì tử 伽婢子 (Cái bùa hình nhân) hoàn thành năm 1666.
Già tì tử có một vị trí quan trọng. Mặc dù nó không phải là truyện thần quái đầu tiên, nhưng là tác phẩm điển hình theo kiểu truyện truyền kỳ của Nhật Bản
Toàn bộ tác phẩm có 68 truyện, trong đó có 2 truyện phóng tác theo Kim Ngao tân thoại (như đã nói ở trên):
GIÀ TÌ TỬ |
KIM NGAO TÂN THOẠI |
哥を媒として契Ka wo nakadachi toshite chigiru |
Lý Sinh Khuy Tường Truyện李生窺牆伝 |
龍宮の上棟Rỳu kỳu no jôtô |
Long Cung Phó Yến Lục龍宮赴宴録 |
Còn lại 18 truyện phóng tác từ Tiễn đăng tân thoại, trong đó có truyện cực kỳ nổi tiếng, được sau này sử dụng nhiều trong sân khấu kể chuyện quái đàm 怪談話 là truyện Mẫu đơn đăng lung 牡丹灯籠 (Chiếc đèn mẫu đơn) phóng tác từ Mẫu đơn đăng ký 牡丹灯記. Mặc dù tập Già tì tử có đến 68 truyện nhưng cũng không phải là một tập sách dày dặn, đơn giản vì mỗi truyện được kể khá vắn tắt, cốt lấy nội dung mà thôi. Nó rất khác với cách kể chuyện của Ueda hay Nguyễn Dữ như sẽ nói dưới đây. Trong loại truyện truyền kỳ Nhật Bản Già tì tử có vị trị là tác phẩm khai phá thể loại, còn vị trí đỉnh cao thuộc về Ueda với kiệt tác Vũ nguyệt vật ngữ.
- Ueda Akinari上田秋成và Vũ nguyệt vật ngữ 雨月物語
UEDA AKINARI 上田秋成 (1734 – 1809): nhà nghiên cứu Quốc học, nhà văn, hiệu là Hoà Dịch Thái Lang 和訳太郎, Tiễn Chi Ky Nhân 剪枝畸人, Vô Trường無腸…Sinh ở Osaka, lúc bé bị đem cho làm con nuôi một thương nhân họ là Ueda 上田. Thời gian sau thì mẹ nuôi cũng mất, sống với mẹ nuôi kế, rất được yêu thương. Lớn lên ông được học tập tốt và đọc rất nhiều sách, đặc biệt là văn học cổ điển Trung Quốc và Nhật Bản, thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực như: thương mại, y khoa, nghiên cứu, sáng tác thơ haiku, nhưng thành công nhất là sáng tác truyện truyền kỳ. Tác phẩm có: Vũ nguyệt vật ngữ 雨月物語 (hoàn thành năm 1768, xuất bản 1776) và Xuân vũ vật ngữ 春雨物語 (hoàn thành 1808, hiện còn thủ bản của tác giả)
II. VĂN BẢN VÀ NGUỒN ẢNH HƯỞNG ĐẾN VŨ NGUYỆT VẬT NGỮ VÀ TRUYỀN KỲ MẠN LỤC
1. Văn bản Vũ nguyệt vật ngữ
Vũ nguyệt vật ngữ 雨月物語 hoàn thành năm 1768 (có lời tựa của tác giả năm Minh Hoà thứ năm – 1768), xuất bản 1776 hiện còn lưu trữ ở các thư viện Quốc hội, Đại học Kyoto, Tenri…
Toàn bộ tác phẩm có 9 truyện và 1 bài tựa ngắn. Các nguồn ảnh hưởng đến Vũ nguyệt vật ngữ, ngoài Tiễn đăng tân thoại ra còn có nhiều tiểu thuyết truyền kỳ và truyện cổ Nhật Bản khác nữa. Xin xem bảng dưới đây, ở đây chỉ xem xét những ảnh hưởng nổi bật, chúng tôi in đậm cho những ảnh hưởng đậm nét.
|
VŨ NGUYỆT VẬT NGỮ |
CÁC NGUỒN ẢNH HƯỞNG |
1 |
Đỉnh Shiramine白峰(しらみね) |
Bảo Nguyên vật ngữ保元物語Saigyô soạn tập sao西行撰集抄 |
2 |
Hẹn tiết trùng dương菊花の約(きくわのちぎり) |
Phạm Cự Khanh Kê Thử tử sinh giao 范巨卿雞黍死生交 (Cổ kim tiểu thuyết 古今小説, Phùng Mộng Long馮夢龍) |
3 |
Ngôi nhà trong lau sậy浅茅が宿(あさじがやど) |
Truyện nàng Ái Khanh 愛卿伝(Tiễn đăng tân thoại, Cù Hựu) |
4 |
Cá chép trong mơ夢応の鯉魚(むおうのりぎょ) |
Tiết Lục Sự ngư phục chứng tiên 薛録事魚服証仙 (Tỉnh thế hằng ngôn, Phùng Mộng Long) |
5 |
Tiếng chim Bupposô仏法僧(ぶっぽそう) |
Thiên Thai phỏng ẩn lục天台訪隠録,Long đường linh hội lục龍堂霊会録, Phú quý phát tích tư chí富貴発蹟司志, Tiễn đăng tân thoại |
6 |
Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu吉備津の釜 |
Mẫu đơn đăng ký 牡丹灯記(Tiễn đăng tân thoại) |
7 |
Con rắn dâm đãng蛇性の婬 |
Bạch nưong tử vĩnh chấn Lôi Phong tháp白娘子永鎮雷風塔 (Cảnh thế thông ngôn警世通言, Phùng Mộng Long馮夢龍) |
8 |
Chiếc khăn trùm màu xanh青頭巾 |
Thuỷ hử 水滸của La Quán Trung羅貫中, Ngũ tạp trở 五雑爼, Tạ Triệu Chiết 謝肇淛 |
9 |
Luận về giàu nghèo貧福論 |
Thường Sơn kỷ đàm 常山紀談 (Nhật Bản),Sử ký史記, Tư Mã Thiên 司馬遷 |
3. Vũ nguyệt vật ngữ và Truyền kỳ mạn lục
Dưới đây là bảng tương quan giữa Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục và Vũ nguyệt vật ngữ.
TIỄN ĐĂNG TÂN THOẠI |
TRUYỀN KỲ MẠN LỤC |
VŨ NGUYỆT VẬT NGỮ |
Truyện nàng Ái Khanh 愛卿伝 |
Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu 快州義婦傳 |
Ngôi nhà trong lau sậy浅茅が宿 |
Mẫu đơn đăng ký牡丹灯記 |
Chuyện cây gạo 木綿樹傳 |
Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu吉備津の釜 |
Thiên Thai phỏng ẩn lục天台訪隠録, Long đường linh hội lục龍堂霊会録, Phú quý phát tích tư chí富貴発蹟司志 |
Câu chuyện ở đền Hạng Vương項王祠記Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa金華詩話記 |
Tiếng chim Bupposô仏法僧 |
Như vậy là trong 9 truyện của Vũ nguyệt vật ngữ , có 3 truyện chịu ảnh hưởng từ Tiển đăng tân thoại, và 3 truyện này cũng có những liên quan tương ứng với Truyền kỳ mạn lục.
III. TỪ MẪU ĐƠN ĐĂNG KÍ 牡丹燈記 ĐẾN CHUYỆN 木綿樹伝 VÀ CHIẾC NỒI THIÊNG Ở ĐỀN KIBITSU吉備津の釜
MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ 牡丹燈記 (Tiễn đăng tân thoại)
a. Gặp gỡ
1. Kiều sinh, goá vợ, trong hội đêm rằm tháng giêng thấy một cô gái đi theo sau một a hoàn cầm chiếc đèn có hình hoa mẫu đơn.
2. Kiều sinh nghe nói chuyện bèn mời vào nhà.
3. Cô gái tên là Lệ Khanh, con gái vị phán quan họ Phù. Cha mẹ mất, cảnh nhà sa sút phải ở tạm gần Tây Hồ
4. Hai người cùng nhau đi nằm, rất mặn nồng. Sau đó cô gái ngày nào cũng đến.
b.Tìm ra sự thật
5. Ông hàng xóm chọc vách nhìn qua chỉ thấy bộ xương đang trò chuyện với Kiều Sinh, nên khuyên Sinh tìm cho ra gốc gác
6. Kiều Sinh đi đến hồ, vào chùa thì thấy trong gian buồng tối có một quan tài của khách qua đường, trên nắp ván thiên có viết “Quan tài Lệ Khanh con gái vị phán quan họ Phù”. Trước áo quan có treo chiếc đèn lồng có hình mẫu đơn, cạnh đó là một đồ hàng mã hình ả hoàn.
c. Người con trai chết, cả hai biến thành yêu quái
7. Theo lời ông già hàng xóm dặn, Kiều Sinh nhờ một vị pháp sư. Vị pháp sư cho bùa dán ở cửa và dặn đừng đến chùa nữa
8. Chàng nghe lời được một thời gian. Nhưng sau đó uống rượu say đến chùa. Gặp Lệ Khanh, Lệ Khanh trách là đã nghe theo lời đạo sĩ, sau đó kéo Kiều Sinh vào quan tài cùng chết.
9. Sư cho chôn quan tài
10. Kiều Sinh, Lệ Khanh biến thành yêu ma tác oai tác quái
d. Dân chúng nhờ pháp sư diệt trừ yêu quái
11. Dân chúng nhờ đạo nhân trên núi trừ yêu ma.
12. Từ chối không được đạo nhân đành xuống giúp dân trừ được yêu ma
13. Bắt được cả 3, mang ra xét xử. Các hồn ma đều nhận tội.
14. Đạo nhân kết án hồn ma Kiều Sinh và Lệ Khanh là tham dâm, lừa dối, quấy nhiễu dân chúng. Đoạn văn kết án rất dài và hùng hồn, réo rắt.
15. Yêu ma bị giải đi. Đạo nhân đi mất không để lại dấu vết.
·CHUYỆN CÂY GẠO 木綿樹伝 (Truyền kỳ mạn lục)
a. Gặp gỡ
1.Trình Trung Ngộ đẹp trai, nhà giàu đi thuyền buôn bán. Đến chợ thì gặp một gái xinh đẹp từ thôn Đông cùng cô hầu đi ra.
2a.Trung Ngộ hỏi han, cô gái không trả lời bỏ đi, nhưng có nói với thị nữ là sẽ lên cầu ngắm cảnh
2b.Trung Ngộ theo rình. Nghe cô gái chơi đàn và thở than không có ai tri âm, bèn ra mắt.
3a. Cô gái nói lý do tại sao mình không trả lời lúc ban ngày vì sợ ngoài đường không tiện
3b. Cô gái cho biết mình tên là Nhị Khanh, cháu một người danh giá trong làng. Cha mẹ mất sớm, gia cảnh sa sút, bị chồng ruồng bỏ, phải ra ở bên ngoài luỹ tre của làng. Đồng thời thổ lộ quan niệm sống là phải vui thú vì đời người như một giấc mộng
4a.Trung Ngộ đưa Nhị Khanh xuống thuyền ân ái.
4b. Nàng làm thơ rất hay và táo bạo ghi lại việc này. Sau đó đêm nào cũng đến.
b. Tìm ra sự thật
5. Bạn bè buôn bán khuyên nên tìm rõ gốc tích để giải quyết dứt khoát: hoặc bỏ hoặc cưới cô gái.
6 a.Trung Ngộ nghe lời, hỏi nhà Nhị Khanh. Nàng buộc phải dẫn đi, vào một căn nhà tranh tồi tàn hoang phế. Nói là vào thắp đèn. Trung Ngộ đi vào thì thấy có quan tài, cạnh đó có tượng đất cô gái cầm đàn theo hầu.
6b. Trung Ngộ sợ quá chạy ra thì Nhị Khanh ngăn lại, nắm áo, nhưng chàng giựt ra chạy được.
6c. Hôm sau Trung Ngộ vào làng hỏi thăm, quả có cháu gái của một ông cụ danh giá trong làng, chết độ nửa năm, đang quàn ngoài đồng cạnh làng.
c. Người con trai chết, cả hai biến thành yêu quái
7. (Không nhờ pháp sư)
8a. Trung Ngộ từ đó bị ốm, đòi đi tìm Nhị Khanh. Bạn bè phải trói lại.
8b. Một đêm nhân lúc mọi người ngủ say, chàng đã trốn đi. Khi các bạn tìm được thì thấy Trung Ngộ ôm quan tài Nhị Khanh mà chết.
9. Từ đó hai người biến thành ma quỷ khi thì hát khi thì khóc, gây tai hoạ cho dân chúng. Dân làng phải đào mả, vứt hài cốt xuống sông, mới đỡ được tai hoạ.
10. Linh hồn hai người lại nương vào cây gạo cạnh chùa.
d. Dân chúng nhờ pháp sư diệt trừ yêu quái
11a. Có một vị đạo nhân đến ngủ trong chùa. Ban đêm thấy có đôi trai gái trần truồng đùa giỡn. Sáng hôm sau than phiền với dân làng.
11b.Dân làng nhờ trừ yâu ma, vị đạo nhân làm phép cho mây kéo mù mịt, nước sông nổi sóng, cây gạo tróc gốc. Nhìn lên trời thấy đôi trai gái bị âm binh vừa đánh vừa dẫn đi.
12, 13, 14. (Không có chuyện đạo nhân kể tội hồn ma)
15.Dân làng cảm ơn đạo nhân, nhưng đạo nhân đã đi không để lại dấu vết.
16.Lời bình: Chê Trung Ngộ nông nổi, háo sắc, khuyên người ta nên trông gương mà biết tiết dục.
CHIẾC NỒI THIÊNG Ở ĐỀN KIBITSU 吉備津の釜 (Vũ nguyệt vật ngữ)
0.Triết lý về lòng ghen tuông của phụ nữ rất có hại, nhỏ là đổ vỡ đồ đạc, lớn là làm đổ vỡ gia đình.
1.Gia đình Izawa vốn là võ sĩ, mấy đời làm nghề nông, có con trai là Shôtarô lêu lổng, ham mê rượu và gái. Cha mẹ bàn cưới vợ cho con để con đổi tính nết.
2.Đúng lúc đó có người làm mối đến giới thiệu nhà Kadasa, coi đền Kibitsu có cô con gái tên là Isora đẹp, nết na, phong nhã biết chơi đàn và làm thơ.
3.Nhà Kadasa đồng ý, nhưng họ đến đền để hỏi ý kiến thần linh thông qua việc bói bằng cái nồi thiêng trong đền.Cái nồi không phát ra tiếng, tức là tiên đoán cuộc hôn nhân này không tốt.
4.Gia đình Kadasa không nghe, vẫn cho cử hành hôn lễ.
5.Isora về nhà chồng siêng năng làm việc và đối xử với gia đình chồng rất tốt.
6.Shôtarô mê một ả giang hồ tên là Sode, bỏ tiền ra chuộc và sống luôn với ả ở làng bên.
7.Isora buồn khổ, khuyên ngăn, oán trách nhưng đều không được. Cha mẹ từ Shôtarô. Nàng còn bí mật gửi đố cho chồng và Sode để giúp họ đỡ khó khăn.
8. Một hôm Shôtarô nhân lúc bố vắng nhà đã nói với vợ là mình rất ân hận, hứa sẽ từ bỏ ả tình nhân. Trước khi bỏ, muốn có một ít tiền để đưa ả lên thành phố kiếm nơi nương tựa.
9.Isora vui mừng, bán hết tư trang, xin cả tiền mẹ đẻ đưa cho chồng. Shôtarô cầm số tiền đó trốn đi cùng ả nhân tình.
10.Isora ốm nặng, tình trạng rất nguy kịch.
11. Shôtarô và tình nhân trốn đến nhà anh họ Sode.
12.Sode bị ốm nặng mấy ngày sau thì chết
13.Shôtarô hết sức đau khổ, chôn cất tình nhân
14.Ra viếng mộ thì gặp một người con gái trẻ cũng ra viếng mộ, đựoc biết cô ấy ra viếng mộ thay cho bà chủ bị ốm ở nhà. Chủ nhà là người giàu có danh giá, nhưng bị sa sút, phải sống ở nơi hiu quạnh gần đây.
15. Shôtarô theo cô gái về nhà. Đến một căn nhà tranh hoang sơ. Nói chuyện với nữ chủ nhân qua bình phong. Chủ nhân chính là hồn ma vợ anh. Hồn ma thề sẽ trả thù. Shôtarô lăn ra bất tỉnh
16. Tỉnh dậy Shôtarô thấy mình đang nằm trong một nhà tang lễ, bèn chạy về nhà.
17. Về kể chuyện cho anh họ nghe. Ông anh khuyên đi nhờ thầy pháp. Thầy pháp cho bùa dán quanh nhà và dặn trong 42 ngày không được ra khỏi cửa.
18. Hồn ma đến kêu gào quanh nhà, nhưng không vào được.19. Đêm cuối cùng, đêm thứ 42, Shôtarô mừng vì tai qua nạn khỏi. Trời chưa sáng hẳn, anh ta đã ra khỏi nhà. Lập tức bị hồn ma giết chết, máu chảy ròng ròng, chỉ còn một túm tóc chứ không còn gì hết.
20. Kết: điềm gở mà cái nồi thiêng báo quả không sai.
· Nhận xét:
A. So sánh giữa Mẫu đơn đăng ký (M) và Chuyện cây gạo (C) :
1. Chuyện cây gạo theo đúng cấu trúc 4 phần a, b, c, d của Mẫu đơn đăng ký , điều ấy cho thấy nó đúng là tác phẩm phóng tác.
2. Hoàn cảnh đã được Nguyễn Dữ biến đổi khác đi. Đời sống trong M có vẻ quý tộc, trong C nửa nông dân, nửa buôn bán nhỏ (người chủ hàng trực tiếp bán hàng). Phù hợp với hoàn cảnh sống ở Việt Nam bấy giờ, truyện đã được bản địa hoá cao độ.
3. Tính cách nhân vật nữ cũng khác. Lệ Khanh (M) được nhấn mạnh ở khía cạnh “ái dục”. Nhị Khanh (C) cũng “ái dục”, nhưng được nhấn mạnh ở tâm hồn và nét phong nhã (đàn và thơ). Điều ấy cho thấy cá tính và thiện cảm dành cho nhân vật của tác giả. Nguyễn Dữ tỏ ra yêu mến nhân vật của mình hơn. Với người đọc, Nhị Khanh cũng đáng yêu hơn.
4. Nhân vật nam. Kiều sinh (M) tỉnh táo hơn nên đã chủ động tìm pháp sư trừ ma cho mình, nhưng vì say rượu quên đi, đến chùa, bị lôi vào quan tài mà chết. Trung Ngộ mê đắm hơn, và phần nào lãng mạn hơn, nên đã chủ động đến ôm quan tài Nhị Khanh mà chết (8).
5. M hơi rườm khi 2 lần nhờ pháp sư (1 lần Kiều Sinh, một lần dân chúng), đoạn kết thuyết lý đạo đức nhiều, kém hấp dẫn. Cả 2 chi tiết này đều bị C bỏ đi. Việc thuyết giáo, C đưa xuống lời bình. Tuy nhiên ở đây thấy có sự mâu thuẫn giữa hình tượng nhân vật mà tác giả dựng nên (đẹp và đáng yêu) với lời thuyết giáo đạo đức (quá nghiêm khắc và khuôn sáo)
B. So sánh giữa Chiếc nồi thiêng ở đền Kibitsu (K) với 2 truyện trên:
1. K không có kết cấu như M, K chỉ dùng một vài motif trong M ở đoạn cuối: gặp ma, bị trả thù, nhờ pháp sư đến giúp. Nên có thể nói K không phải là chuyện phóng tác, mà là sáng tác.
2. Hình tượng điềm gở từ cái nồi thiêng làm cho câu chuyện có tính cách định mệnh, nâng tầm câu chuyện lên thành vấn đề đấu tranh giữa con người với định mệnh.
3. Kết cấu nửa đầu có tính cách tăng tiến, thử thách lòng tốt và sức chịu đựng của Isora, lến đến đỉnh điểm rồi, sau đó là cuộc báo thù.
4. Cuộc báo thù của hồn ma Isora với Shôtarô là sự báo thù của lòng ghen tuông, hơn thế nữa là sự báo thù về niềm tin của con người bị phản bội.
5. Kết thúc rất thảm khốc: tất cả các nhân vật chính đều bị chết, Đây là kết thúc của bi kịch như là bi kịch của Shakespeare. Cho thấy mâu thuẫn rất gay gắt, rất dữ dội. Nó tạo ấn tượng rất sâu sắc. Tính chất khuyên răn đạo đức, “khuyến thiện trừng ác” không thấy rõ như trong M và C. K thực sự là kiệt tác của Ueda, là tác phẩm nổi bật, nếu không nói là xuất sắc nhất trong Vũ nguyệt vật ngữ.
KẾT LUẬN
Giá trị của chữ Kỳ 奇trong Vũ nguyệt vật ngữ và Truyền kỳ mạn lục:
· Kỳ奇: siêu hiện thực 超実 và Thực 実
Kỳ là cái khác thường, cái hiếm có thậm chí là không hề có trong hiện thực, như hồn ma của Lệ Khanh, Nhị Khanh, Isora…Nhưng cái kỳ là để phản ánh cái Thực, phản ánh sâu sắc hơn cái thực, mà không bị giới hạn bởi hiện thực. Không có hồn ma của Lệ Khanh và Nhị Khanh lấy gì thể hiện được khát khao tình yêu của tuổi trẻ, của phụ nữ. Không có hồn ma của Isora, lấy gì để trừng phạt kẻ phụ bạc. Cho nên cái Kỳ ấy là phương tiện để biểu hiện cái Thực.
· Kỳ 奇và Quái Dị 怪異
Người ta sống trong đời sống tầm thường nhạt nhẽo, nên cái Kỳ mở ra một thế giới khác, ghê rợn và đẹp đẽ khác thường. Quái dị trở thành cái thu hút người ta, bằng cái sợ hãi, hồi hộp mà cuộc đời thường không có được.
· Kỳ 奇 và Bi 悲
Truyện truyền kỳ đoạn tuyệt với kiểu truyện kết thúc có hậu của truyện cổ tích, tiểu thuyết lịch sử và tài tử giai nhân. Hầu như các truyện truyền kỳ đều kết thúc một cách đen tối: nhân vật chính diện chết hết, hồn ma cũng chết như Lệ Nương, Nhị Khanh, Isora, các nhân vật nam cũng chết như Kiều Sinh, Trung Ngộ, Shôtarô…Đây là bước trưởng thành vượt bậc của truyện truyền kỳ, khiến nó rất gần với bi kịch hay tiểu thuyết hiện đại.
· Giá trị hiện đại của chữ Kỳ 奇
Truyền kỳ vẫn tiếp tục có sức sống trong thời hiện đại. Ở Nhật Bản truyện truyền kỳ vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong trong văn nghệ giải trí, truyện tranh, truyền kỳ hiện đại, ví dụ giải văn học Naoki, một giải thưởng nổi tiếng ở Nhật Bản 2004 trao cho một tác phẩm truyền kỳ. Trong văn học thế giới một dạng thức khác tương tự với truyền kỳ chính là các yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết có ý nghĩa tượng trưng như Miếng da lừa của Balzac, Hoá thân của F.Kafka, và nhất là chủ nghĩa hiện thực huyến ảo.
Tokyo 4. 2004 – TP.HCM 5.2007
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 1.2010
桃 花 谿
隱 隱 飛 橋 隔 野 煙,
石 磯 西 畔 問 漁 船。
桃 花 盡 日 隨 流 水,
洞 在 清 谿 何 處 邊。
張 旭
玄 空 鼎 Huyền không Đỉnh
玄 空 鼎
霧 雲 山 鼎 騰,
艷 境 冷 幽 冰。
一 陣 雨 清 掃,
洿 塵 澡 末 根。
東 天 哲
Chuyển Ngữ:
Huyền Không Đỉnh
Vụ vân san đỉnh đằng,
Diễm cảnh lãnh u băng.
Nhất trận vũ thanh tảo,
Ô trần tháo mạt căn.
Đông Thiên Triết.
(Diễn ý: Trên Đỉnh Núi Huyền Không)
Sương mù mây xám, quấn quyện trên đỉnh núi cao vút giữa tầng trời,
Trông quang cảnh diễm lệ nhưng u nhã vì có nhiều hàn băng lạnh lẽo.
Tuy nhiên, sau một trận mưa tuôn xuống đã quét sạch bụi hồng trần,
Rồi kể từ đó, đâu còn thấy một trong sáu vết nhơ (lục tặc) nào trên đỉnh,
Huyền Không này nữa. (ý như bồng cảnh là ở trên đỉnh này).
(Diễn Nôm thể Lục Bát)
Trên Đỉnh Núi Huyền Không
Sương mù mây xám bềnh bồng,
Băng hàn mờ ảo trên triền núi cao.
Đêm qua mưa đổ xạc xào,
Bụi trần tẩy sạch, trút bao ưu phiền (Lục Căn).
Đông Thên Triết
楓 橋 夜 泊 Phong Kiều Dạ Bạc
Bạn phải đăng nhập để bình luận.